Thương vụ lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng và thị trường Việt Nam trong năm 2023 - VPBANK - SMBC
Ngày 27/3/2023 đã đi vào lịch sử của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) khi nhà băng này tổ chức Lễ ký kết thoả thuận phát hành riêng lẻ 15% vốn điều lệ cho Ngân hàng SMBC (thuộc tập đoàn tài chính SMFG – một trong những định chế tài chính lớn nhất thế giới). Thoả thuận này đã chính thức đưa SMBC trở thành nhà đầu tư chiến lược nước ngoài của VPBank và mang về cho nhà băng này 35,9 nghìn tỷ đồng (tương đương gần 1,5 tỷ USD).
Như vậy, chỉ hai năm sau khi bán 49% vốn FE Credit, VPBank tiếp tục xổ đổ kỷ lục cũ do chính mình tạo nên và xác lập thương vụ M&A lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.
Thế nhưng, buổi lễ hoàn tất thỏa thuận phát hành riêng lẻ mang tính lịch sử này lại diễn ra rất nhẹ nhàng và nhanh gọn dù nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới truyền thông. Chủ tịch HĐQT VPBank Ngô Chí Dũng, Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh hay đại diện của đối tác Nhật Bản – ông Tetsuro Imaeda, Phó Tổng giám đốc đồng phụ trách Khối Kinh doanh toàn cầu SMBC, đều có phần phát biểu rất ngắn gọn, khiêm nhường.
Điểm chung trong các bài phát biểu của họ là chia sẻ chân thành về khát vọng phát triển, đóng góp cho sự thịnh vượng của cả 2 quốc gia Việt Nam và Nhật Bản nhân dịp 50 năm quan hệ 2 nước. Thương vụ lịch sử này lại hoàn tất đúng dịp kỷ niệm 30 năm của VPBank, nhưng ngay sau lễ ký kết là buổi làm việc giữa lãnh đạo cấp cao 2 bên chứ không phải những nghi thức xã giao thường thấy.
Với tham vọng trở thành một tập đoàn tài chính hàng đầu tại Việt Nam và trong khu vực, việc tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài là một trong những ưu tiên hàng đầu của VPBank; và vị thế cũng như quy mô toàn cầu của SFCG – công ty mẹ của SMBC – sẽ là một hậu phương vững chãi giúp VPBank thực hiện hóa khát vọng của mình.
Sự khớp nối về nhu cầu đã đưa SMBC và VPBank đến gần với nhau và câu chuyện hợp tác chiến lược giữa hai bên cũng đã được thị trường đồn đoán ngay từ cuối năm 2019.
Thực tế, ngay từ năm 2019, VPBank và SMBC cũng đã có những buổi tiếp xúc đầu tiên để đưa ra lộ trình hợp tác toàn diện. Và đến cuối năm 2021, hai bên đã hoàn tất thương vụ chuyển nhượng 49% vốn FE Credit với giá trị lên tới 1,4 tỷ USD – thương vụ được coi là bước đệm mở đường cho SMBC trở thành cổ đông chiến lược của ngân hàng mẹ VPBank.
Tiếp đó, ngày 01/05/2022, VPBank và SMBC đã ký kết biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác kinh doanh nhằm cung cấp cho khách hàng tại Việt Nam những sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao, góp phần phát triển thị trường tài chính Việt Nam. Ngoài ra, trong suốt 2 năm qua, SMBC cũng đứng ra thu xếp hàng trăm triệu USD vốn vay quốc tế cho VPBank, giúp ngân hàng này củng cố thêm năng lực tài chính.
Đến ngày 27/3/2023, sau nhiều chờ đợi, thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa hai bên đã chính thức được ký kết, mở ra một chương mới cho hai ông lớn trong ngành ngân hàng Việt Nam và Nhật Bản.
Sáng ngày 27/3/2023, trong phòng họp tầng 9 Tòa nhà VPBank, nơi diễn ra lễ ký kết thỏa thuận chiến lược giữa VPBank và SMBC – cũng là nơi ký kết thương vụ chuyển nhượng 49% vốn FE Credit gần 2 năm trước đó, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch VPBank đã tái khẳng định vai trò quan trọng của việc hợp tác giữa hai bên.
Theo ông Dũng, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức, quyết định trở thành nhà đầu tư chiến lược cho thấy niềm tin rất lớn của SMBC vào năng lực và triển vọng của VPBank, với vị thế là một trong những ngân hàng lớn nhất, có tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững nhất tại thị trường Việt Nam.
"Tất cả sự hợp tác giữa hai bên đều nói lên rằng, giữa hai định chế tài chính đã có sự thấu hiểu, đồng thuận với nhau. Với sự đồng thuận, thấu hiểu lẫn nhau đó, chúng tôi có niềm tin sâu sắc rằng sẽ cùng nhau đưa VPBank vươn lên một tầm vóc mới, đạt được những mục tiêu rất tham vọng trong tương lai", Chủ tịch VPBank khẳng định.
Ban lãnh đạo VPBank cho biết, khoản đầu tư của SMBC mang lại cho ngân hàng 35,9 nghìn tỷ đồng vốn cấp 1, nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank từ 103,5 nghìn tỷ đồng lên xấp xỉ 140 nghìn tỷ đồng. Điều này cho phép VPBank có đủ sức mạnh tài chính để nâng cao sản phẩm, dịch vụ tài chính, đáp ứng nhu cầu của mọi phân khúc khách hàng, đặc biệt là những phân khúc trước nay chưa làm mạnh như nhóm khách hàng lớn, FDI...
Với vai trò là cổ đông chiến lược, SMBC cũng sẽ chia sẻ bí quyết, kinh nghiệm về quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, chuyển đổi số mà SMBC tích luỹ được trên thị trường toàn cầu. Ngoài ra, với mạng lưới đa quốc gia, vị thế mà SMBC hỗ trợ cho VPBank sẽ giúp ngân hàng tiếp tục huy động vốn thuận lợi hơn trên thị trường quốc tế.
"Mục đích của việc phát hành không chỉ để tăng vốn mà còn hợp tác, học hỏi kinh nghiệm quản trị từ đối tác. Với vốn điều lệ dự kiến đạt gần 80.000 tỷ, VPBank kỳ vọng sẽ được cơ quan quản lý tạo điều kiện cho việc mở rộng hệ sinh thái."- CEO VPBank Nguyễn Đức Vinh chia sẻ trong một cuộc họp với nhà đầu tư vào năm ngoái.
Về phía SMBC, trong buổi lễ ký kết, phát biểu qua cầu truyền hình trực tuyến từ Nhật Bản, ông Jun Ohta - Chủ tịch kiêm CEO của SMFG – chia sẻ, ông cùng đoàn công tác trong chuyến thăm trụ sở của VPBank hồi tháng 9 năm ngoái đã tận mắt chứng kiến các hoạt động thường nhật tại VPBank, chứng kiến sự phát triển vững chắc của VPBank trong mảng bán lẻ và SME tại trị trường nội địa. Đầu tư vào VPBank, theo đó, là lựa chọn lý tưởng cho SMBC trong chiến lược phát triển tại thị trường Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung.
"Mặc dù thế giới hiện nay đang có nhiều bất ổn, song chúng tôi tin tưởng vào sự phát triển của Việt Nam cũng như tin rằng VPBank sẽ trở thành ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam trong tương lai, SMBC cam kết sẽ hỗ trợ toàn diện để VPBank hoàn thành mục tiêu này", vị chủ tịch của SMFG nhấn mạnh.
Thực tế, kỳ vọng SMBC đặt vào VPBank không phải chỉ trong ngắn hạn, mà được gây dựng thành một "điểm chốt" trong chiến lược phát triển lâu dài của định chế tài chính toàn cầu này.